Nỗi buồn chưa buông tha cô gái nhỏ... Chuyện mẹ con Ngân gặp nhau diễn ra rất khác những gì mọi người thường hình dung về tình cảm mẹ con sau gần hai chục năm xa cách. Ngân đã ngậm ngùi chia sẻ rằng: "Gần 20 năm xa cách, khi sắp được gặp mẹ em rất hồi hộp, trong lòng như có gì đó đang nhảy múa vì giờ em đã có mẹ, em sẽ được mẹ yêu thương và em cũng rất yêu thương mẹ. Nhưng gặp mẹ, cảm xúc của em cứ như trôi tuột đâu mất.
Có lẽ tình cảm dành cho người mẹ em đã dành hết cho bà ngoại nên khi gặp mẹ, em chẳng biết nói gì, chỉ chào mẹ mà thôi. Cuộc đời cũng không như mình nghĩ. Mẹ trách em rất nhiều, ví như chuyện đã dùng mạng xã hội để tìm mẹ, gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ làm ăn của mẹ (mẹ Ngân bán hàng tạp hóa, trái cây - PV)... và rất nhiều điều khác nữa mà em không muốn nói ra. Em thấy buồn ghê gớm, buồn hơn cả những điều buồn khổ nhất mà em đã trải qua trong gần hai chục năm vắng mẹ".
Nước mắt của Ngân lại chảy sau lời tâm sự rất thật lòng này. Rồi Ngân gượng cười tâm sự: "Em biết mẹ mơ ước được về quê làm ăn sinh sống nhưng không có vốn. Em đang đi làm, dành dụm tiền để mở cho mẹ một quán bán hàng tạp hóa...".
Đêm nhớ mãi của tuổi lên ba Trong kí ức của cô gái thiếu may mắn này vẫn không phai mờ đêm định mệnh gần 20 năm về trước. Đó là đêm mà Cù Thị Kim Ngân được mẹ hối hả chở xe đạp từ thành phố Việt Trì về xã Thụy Vân đến nhà bà ngoại, sau một trận cãi vã lớn giữa bố và mẹ. Cô bé 3 tuổi ngủ gà ngủ gật dọc đường và lăn ra ngủ say tít ở giường của bà, để rồi hôm sau tỉnh dậy, gọi mãi không thấy mẹ đâu...
Bà ngoại ôm Ngân vào lòng, sụt sùi: "Mẹ đi vắng ít lâu con ạ". Vì còn quá nhỏ nên Ngân cũng chẳng nhớ nhiều về mẹ, trong ký ức chỉ còn chuyến về bà ngoại trong đêm ấy và những lần bố mẹ cãi nhau khiến em ngồi co rúm, khóc ti tỉ.
Nhưng đến tuổi đi học thì việc vắng mẹ đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh trong Ngân. Bị bạn bè trêu chọc là đứa không cha, không mẹ (sau một thời gian mẹ bỏ đi, bố Ngân lập gia đình mới và ít quan tâm đến con gái), cô gái nhỏ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì thường một mình ngồi khóc rất lâu và oán hận bạn bè.
Vết thương trong lòng Ngân hồi đó đến giờ có lẽ vẫn chưa lành. "Có những người bạn bây giờ em vẫn giận, họ đã xin lỗi, em cũng bỏ qua rồi, nhưng chẳng sao quên nổi, nên cũng khó nói chuyện thân thiết", Ngân giãi bày.
Trong những tháng ngày ấy, Ngân rất thích có bộ quần áo mới mặc đi học, có cái cặp tóc, đôi dép mới để khoe với bạn bè. Nhưng bà không hiểu tâm lý, mơ ước của cháu gái, chỉ biết lo sao cho cháu đủ ăn, đủ mặc, còn Ngân thương bà vất vả thay mẹ nuôi mình nên cũng chẳng dám xin. "Lúc đó em tủi thân ghê gớm, có đêm em nằm khóc đến sáng, chỉ mong sao mẹ về với em, để em có người tâm sự, sẻ chia", Ngân rơm rớm nước mắt kể.
Cù Thị Kim Ngân.
Không muốn như lá rụng trôi theo dòng nước Chọn những nét đẹp của cha mẹ nên Ngân khá xinh với nước da trắng, dáng người cân đối, đặc biệt là đôi mắt to và sống mũi thẳng như lai tây. Cô bé mới lớn bị đám trai làng trêu ghẹo. Nhiều đêm căn nhà của hai bà cháu bị ném đá rào rào vào cửa, cùng với những lời đùa cợt dung tục. Vốn có tính cách mạnh mẽ, Ngân giấu bà đi học võ với quyết tâm phải giỏi võ nghệ để bảo vệ hai bà cháu. Cũng nhờ đi học võ mà Ngân gặp người thầy luôn giúp đỡ Ngân về mặt tinh thần...
Biết chuyện cháu đi học võ, bà ngoại Ngân vốn là một giáo viên quen chỉn chu nên phản đối mạnh mẽ. Bà mắng Ngân, Ngân cố nói cho bà hiểu nhưng bà nhất định giữ quan điểm của mình. Chuyện Ngân đi học võ "vỡ ra", bạn bè và xóm giềng dè bỉu: "Cái đồ không cha, không mẹ đã không biết thân còn bày đặt đi học võ như đàn ông".
Bị bà nặng lời, bạn bè cô lập, Ngân càng tủi thân hơn vì vắng mẹ. Thấy gương mặt buồn bã của Ngân, thầy dạy võ hỏi ngọn ngành câu chuyện, hiểu cả ý định "muốn chết đi cho rảnh nợ" của cô trò nhỏ, thầy khuyên mà như mở lối cho Ngân: "Em ạ, những người mà cuộc đời không may rơi vào hoàn cảnh éo le như em chỉ có hai cách đối diện. Một là buông xuôi, chấp nhận đời mình như chiếc lá rụng trong dòng nước, muốn trôi đâu thì trôi; nếu không em phải vươn lên bằng tất cả sức lực của mình để chứng minh cho mọi người thấy, cũng như kiếm tìm hạnh phúc cho mình".
Lời thầy như gáo nước khiến Ngân tỉnh hẳn. Con đường Ngân chọn cho cuộc đời mình và cũng là để đền đáp tấm lòng người thầy là vươn lên.
Suốt mấy năm học THPT, Ngân luôn có tên trong Đội tuyển học sinh giỏi của thành phố Việt Trì. Ngân còn đi làm thêm để kiếm tiền trang trải chi tiêu của bản thân, đỡ phần nào gánh nặng cho bà ngoại.
"Em làm đồ thủ công, rồi đi bán báo Hoa học trò, mỗi số em thường bán được gần 200 tờ. Em quyết định thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền có lẽ cũng từ những ngày bán báo đó", Vân cho biết.
Một tối trên đường đi học đội tuyển về, nhờ biết võ nên Ngân đã cứu được một chị hàng xóm suýt bị cướp xe giữa cánh đồng. Chuyện đến tai bà ngoại, cộng thêm thành tích học hành giỏi giang của cháu nên bà không khắt khe với Ngân nữa, thậm chí còn động viên Ngân đi học võ đều đặn.
Nhiều ông bố, bà mẹ trong làng bắt đầu lấy Ngân làm gương cho con cái mình. Ngân tâm sự: "Khi được chuyển từ "đứa không cha, không mẹ" thành "con người ta học giỏi" trong mắt mọi người, em mới thấy thấm thía lời khuyên của thầy, nếu không có lời khuyên ấy, không biết em sống thế nào" .
Thiêng liêng tình mẫu tử Cuối năm 2012, bà ngoại Ngân phát hiện bị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Những ngày chăm bà ốm, Ngân biết bà chỉ có một nguyện vọng là được gặp lại mẹ Ngân - đứa con gái duy nhất của bà với người chồng liệt sĩ. Nhìn bà nằm quay mặt vào vách âm thầm khóc, nước mắt chảy ướt gối phần vì đau bệnh, phần vì nhớ thương con gái, Ngân cũng chảy nước mắt theo.
"Lúc đó em nghĩ, em phải quyết tâm tìm được mẹ về cho bà. Đó có lẽ là điều duy nhất em có thể làm được để trả ơn bà đã nuôi và dạy dỗ em. Nếu không có bà, em không có tuổi thơ và có khi phải lang thang đâu đó", Ngân chia sẻ.
Trong quá trình học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đi làm thêm, rồi ra trường làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, Ngân quen biết nhiều bạn trong lĩnh vực truyền thông báo chí. Chính những người bạn này khuyên Ngân nên sử dụng mạng xã hội để tìm mẹ.
Ngân rất hiểu về tính hai mặt của mạng xã hội, nên suy nghĩ mãi về việc có nên đưa chuyện đời của mình ra cho cộng đồng biết hay không... Nhưng nước mắt của bà ngoại đã khiến Ngân dẹp bỏ tự trọng bản thân để tìm bằng được mẹ về cho bà.
Ngân vừa khóc vừa gõ những dòng nhắn gửi đến người mẹ của mình qua mạng xã hội: "Mẹ ơi, bà ngoại bị ung thư giai đoạn cuối rồi, mẹ ở đâu về ngay với bà, mẹ nhé. Con chỉ mong mẹ về với bà dù chỉ một lần thôi cho bà yên lòng nhắm mắt. Con không có mẹ cũng được, nhưng bà cần mẹ, bà cần một người con thực sự ở bên cạnh. Mẹ về với bà, với con mẹ nhé...".
Dòng tin ngắn đã nhận được sự đồng cảm lớn của bạn bè và cộng đồng. Mọi người giúp Ngân chia sẻ thông tin, thu hút nhanh chóng hàng chục nghìn lượt xem...
Sau đó đúng một ngày, một người xa lạ gọi đến số điện thoại Ngân đăng trên Internet, thông báo cho cô biết về nơi ở, đồng thời giúp cô liên hệ với mẹ. "Như một phép màu, sau 24 giờ, có một bạn nhắn tin vào buổi đêm cho em với nội dung: "Bạn ơi, mình ở TP.HCM. Mình thấy cô bán hàng ở gần nhà mình giống mẹ bạn nhiều lắm. Cô ấy tên là Nga" (
mẹ Ngân tên Lê Thị Oanh Nga, sinh năm 1968 - PV).
Ban đầu em không tin lắm, vì nhiều lần thất vọng bởi những tin nhắn đùa cợt. Nhưng em vẫn gọi lại cho người bạn này và nhờ bà trẻ em ở trong đó đến gặp xem sao. Thật bất ngờ đó chính là mẹ em.
Biết bà ngoại lâm trọng bệnh, mẹ Ngân tức tốc về quê. Lúc về đến nhà, bà ngoại Ngân cứ giữ chặt tay con gái như sợ con mình đi lần nữa. Khi nhận được tin tìm được mẹ về, bà em không nói được nữa vì bệnh đã quá nặng. Em cầm tay bà và nói: "Bà ơi, con tìm được mẹ Nga rồi. Bà cố gắng khỏe mạnh đợi mẹ Nga về nhé". Bà chỉ khóc, nắm chặt tay em. Giây phút đấy em thấy thật nhẹ lòng", Ngân nhớ lại.
Mẹ Ngân ở với bà được 3 ngày thì bà mất. Bà đã ra đi thanh thản nhờ tấm lòng hiếu thảo của cháu gái.