Cho bé ăn dặm từ mấy tháng tuổi?

Với mong muốn, bé nhà mình sẽ khỏe mạnh và cứng cáp, nên khá nhiều mẹ cho bé ăn dặm rất sớm. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của bé. Và một trong những nguy cơ đó là béo phì, hay còn gọi là suy dinh dưỡng thế bụ, nguy cơ suy thận và ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của con. Vậy thời điểm nào cho con ăn dặm là hợp lý, và hãy cùng BSnhi điểm qua những lý do vì sao không nên cho bé ăn dặm sớm, mẹ nhé ^^


1/ Hệ tiêu hoá của bé chưa sẵn sàng!

Dưới 4 tháng tuổi dạ dày của bé chưa có đầy đủ enzyme để tiêu hóa thức ăn mà cụ thể là phân tách tinh bột. Vì thế, khi cho bé ăn dặm quá sớm dưới 4 tháng tuổi thì bé sẽ không tiêu hoá hay hấp thu được thức ăn, dễ dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, đồng thời, do bé ăn no bụng nên lượng sữa bú được cũng sẽ giảm đi khiến cho con bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất.

Tốt nhất, mẹ không nên cho bé ăn dặm khi bé dưới 4 tháng tuổi. Khoảng trên 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé mới tiết ra một loại enzyme có tên là amylase, có chức năng tiêu hóa hóa tinh bột và carbonhydrate (thành phần chính của bột ăn dặm). Tuy nhiên, đây cũng không phải là giai đoạn thích hợp nhất để mẹ cho bé ăn dặm. Bởi vì, trước 6 tháng tuổi cơ thể bé rất khó hấp thụ chất béo, và những thức ăn giàu protein như trứng, thịt, sữa bò có thể gây hại cho thận của bé và tạo nguy cơ dị ứng thức ăn. Bên cạnh đó, dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch của bé vẫn còn yếu nên việc ăn thức ăn ngoài cũng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hoá, hô hấp do vi khuẩn xâm nhập vào theo đường thức ăn.

Như vậy, tuỳ theo cơ địa của mỗi bé, mà mẹ có thể điều chỉnh thời gian bắt đầu cho bé làm quen với thực phẩm (bột hoặc cháo) nhưng bắt buộc phải trong giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi. Và BSnhi cũng như các tổ chức y tế thế giới luôn khuyến khích các mẹ cho bé bú mẹ hoàn toàn khi bé dưới 6 tháng tuổi và cố gắng kéo dài đến 24 tháng tuổi, vì đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu kháng thể (bảo vệ bé khỏi những bệnh thường gặp) và dễ dàng hấp thu nhất đối với bé.

2/ Bé ăn dặm sớm sẽ tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và béo phì!

Các bé dưới 6 tháng tuổi chưa phát triển đủ về tâm thần vận động nên không có phản ứng rõ ràng để từ chối thức ăn. Vì thế, khi cho bé ăn dặm, mẹ đút bao nhiêu, con lại ăn hết bấy nhiều, khiến rất nhiều mẹ cứ ngỡ con mình thích ăn dặm, và nghĩ rằng cho con ăn dặm càng sớm, càng nhiều là càng tốt và giúp bé cứng cáp, làm quen thức ăn nhanh hơn. Nhưng điều này là không đúng, ở giai đoạn 4 tháng tuổi, tuy là bé đã có thể tiêu hoá tinh bột nhưng chỉ là ở mức ít, vừa phải, việc cho con ăn quá nhiều ở giai đoạn này cũng sẽ khiến bé đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng dẫn đến nôn trớ và lười bú (vì đã no).

Và các mẹ cũng phải lưu ý rằng, tinh bột chứa nhiều năng lượng hơn sữa mẹ, nhưng thành phần dinh dưỡng lại không bằng sữa mẹ (vitamin, khoáng chất, kháng thể…). Nên khi bé ăn bột nhiều, bú ít thì sẽ thừa năng lượng nhưng thiếu dinh dưỡng dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng thể bụ tức là bé lên cân, mũm mĩm nhưng thực chất lại suy dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao. Vì thế, trong giai đoạn 4-6 tháng tuổi, nếu có cho bé ăn dặm thì mẹ cũng chỉ nên cho bé ăn vài muỗng mỗi bữa để bé làm quen với thực phẩm mà thôi chứ không cho ăn nhiều. Khi bé 6 tháng tuổi thì mới bắt đầu tăng dần lượng thức ăn lên, tăng từng chút một chứ không tăng đột ngột.

3/ Nguy cơ mẹ hết sữa sớm!

Khi bé ăn dặm thì thường bú ít đi vì dạ dày bé dưới 1 tuổi chỉ bằng 1/5 so với người trưởng thành, nên khi ăn bột thì dạ dày bé đã “không còn chỗ chứa” để bú thêm sữa. Và khi bé bú ít đi sẽ khiến mẹ sớm mất sữa, do cơ chế tiết sữa của bầu ngực là sẽ tiết theo nhu cầu của bé, nếu bé bú nhiều thì sữa sẽ tiết nhiều và ngược lại. Vì thế, các mẹ luôn được khuyên là nếu bé bú không hết thì hãy vắt sữa mẹ ra để dự trữ để bầu ngực lúc nào cũng trong tình trạng cạn sữa, giúp cơ thể mẹ tiết sữa nhiều hơn. Việc cho bé ăn dặm sớm sẽ khiến mẹ mất thêm thời gian chế biến thức ăn, rồi cho bé ăn, bé ăn nhiều lại chán bú…dẫn đến việc sữa trong ngực mẹ không được “tiêu thụ” hết, khiến mẹ mất sữa. Điều này sẽ lãng phí nguồn thực phẩm tốt nhất cho bé yêu phát triển toàn diện.

4/ Nếu cho bé ăn quá muộn thì sao?

6 tháng tuổi là giai đoạn vàng để tập nhai, nếu để lỡ mốc này và qua 7 hoặc 8 tháng tuổi mẹ mới bắt đầu cho bé ăn dặm thì sẽ lỡ mất mốc tập nhai đầu tiên của con, sau này bé sẽ dễ biếng ăn hơn. Đồng thời, về mặt tâm lý, khi 7-8 tháng tuổi, bé sẽ bướng bỉnh hơn, khẩu vị của bé cũng đã quen với sữa mẹ nên bé rất khó chịu khi làm quen với vị mới của các thực phẩm khác, khiến quá trình cho bé ăn thực sự rất khó khăn.

Ngoài ra, khi bé được 6 tháng tuổi, bé cũng bắt đầu phát triển các kỹ năng vận động ngồi, bò, trườn..tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với mức năng lượng mà sữa mẹ cung cấp. Trong khi đó, khi lượng vi chất dự trữ mà mẹ đã chuẩn bị cho bé từ giai đoạn bào thai (sắt, kẽm…) cũng đã gần hết, nên việc cho bé ăn dặm cũng sẽ giúp bổ sung cho con nguồn năng lượng để bé phát triển toàn diện.
Cho bé ăn dặm từ mấy tháng tuổi? 4.5 5 Womantoday thời điểm nào cho con ăn dặm là hợp lý, và hãy cùng BSnhi điểm qua những lý do vì sao không nên cho bé ăn dặm sớm, mẹ nhé ^^ Với mong muốn, bé nhà mình sẽ khỏe mạnh và cứng cáp, nên khá nhiều mẹ cho bé ăn dặm rất sớm. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn khá nhiều nguy...


No comments:

Post a Comment

Copyright © Báo Eva, báo phụ nữ online, tập chí phụ nữ. Phiên bản này   đang trong quá trình thử nghiệm và các thông tin trên Blog mang tính chất tham khảo nên mọi hành vi copy nội dung chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm