Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: Bên cạnh hành lang pháp lý mới, rất cần nỗ lực thực tế của các cơ quan chức năng. Ảnh: TD
Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
So với Nghị định 110/2005, Nghị định 42/2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 có nhiều điểm hiệu quả hơn trong quản lý thị trường bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, để thị trường này minh bạch và được thanh lọc thật sự ắt cần thêm sự nỗ lực của cơ quan quản lý với những việc làm thực tế.
Không có chỗ cho DN "ăn xổi ở thì"
Lợi dụng mô hình đa cấp, nhiều công ty không chân chính đã núp bóng công ty đa cấp kinh doanh theo mô hình kim tự tháp bất chính, lừa gạt người tham gia để thu về những món lợi khổng lồ, sau đó giải tán. Những vụ lừa đảo ở các công ty Tâm Mặt Trời hay muaban24.vn... là những minh chứng chưa cũ.
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: Bên cạnh hành lang pháp lý mới, rất cần nỗ lực thực tế của các cơ quan chức năng. Ảnh: TD
Tuy nhiên, Nghị định 42/2014 quy định người bán sẽ không cần đóng bất cứ loại phí nào hoặc phải mua trước sản phẩm khi tham gia vào hệ thống. Ngoài ra, hoa hồng chi cho người bán không được vượt quá 40% doanh thu công ty trong năm.
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho biết: "Nghị định mới không yêu cầu tất cả nhà phân phối kinh doanh đa cấp phải được cấp chứng chỉ bởi Bộ Công Thương nhưng yêu cầu các chuyên viên đào tạo - những người đi đào tạo các nhà phân phối phải tham gia khóa học và được Bộ Công Thương cấp chứng chỉ".
Việc quy định chặt chẽ này không phải để gây khó cho doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp mà tạo hành lang pháp lý cho cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả hơn, từ đó giúp các DN kinh doanh chân chính phát triển bền vững".
Tính hiệu quả của Nghị định 42/2014 còn nằm ở góc độ pháp lý. Các DN chỉ được đăng ký thời hạn năm năm (được gia hạn sau đó) và ký quỹ 5 tỉ đồng, thay vì chỉ 1 tỉ đồng so với trước đây. Điều này góp phần ràng buộc trách nhiệm với người tiêu dùng và xã hội của DN, loại bỏ tâm lý "ăn xổi ở thì" tràn lan trước đây. Hành lang pháp lý này là cơ sở giúp thanh lọc thị trường hiệu quả, là cơ hội cho những DN kinh doanh chân chính.
Cơ hội tốt cho DN chân chính
Đánh giá hiệu quả Nghị định 42/2014, ông How Kam Chiong - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Amway Việt Nam chia sẻ: "Quy định mới về việc cấp chứng chỉ cho đào tạo viên có thể nói là một thách thức đối với DN, vì bản thân các DN phải có bước chuẩn bị để theo kịp với quy định mới, cụ thể là việc đào tạo phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của Bộ Công Thương".
Tuy nhiên, cũng theo ông How Kam Chiong, đây chính là cơ hội lớn giúp các DN củng cố lại kiến thức của đội ngũ đào tạo viên, nâng cao và phổ biến những quy chuẩn mới của luật pháp cho họ. Những động thái này sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong thời gian sắp tới, tạo động lực cho những công ty kinh doanh bán hàng đa cấp chân chính, tin tưởng, gắn bó và đầu tư lâu dài, cụ thể là việc mở rộng quy mô sản xuất hoặc xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Những khoảng trống cần khắc phục
Dù mức hoa hồng đã được quy định chi tiết nhưng tình trạng lôi kéo người bán giữa các công ty có thể khiến quy định này bị biến tướng để lách luật. Mức hoa hồng trước đây được đẩy lên đến 80% giá trị sản phẩm. Nay phải giảm xuống sẽ giảm sức hấp dẫn người bán hàng. Bởi vậy ngoài mức hoa hồng 40%, các công ty bất chính có thể lách luật và dùng nhiều hình thức thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác để lôi kéo người bán.
Tình trạng nói quá, thổi phồng công dụng và chức năng của sản phẩm cũng đã và đang là vấn đề được quan tâm và cần sự giám sát chặt chẽ. Mô hình kinh doanh bất chính kim tự tháp vẫn còn đang núp bóng các DN bán hàng đa cấp để trục lợi cần triệt để ngăn chặn để bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Bạch Văn Mừng nhận định không có văn bản pháp luật nào giải quyết 100% những vấn đề xảy ra trong thực tế mà cần có thời gian điều chỉnh. Vì vậy, bên cạnh hành lang pháp lý mới, rất cần nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc giám sát, ứng phó, bổ sung một cách linh hoạt các quy định mới phù hợp với thực tế.
Tính hiệu quả của các công cụ pháp lý mới luôn luôn đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều phía, sự giám sát từ cơ quan quản lý, sự tuân thủ của các đơn vị chủ quản và sự truyền thông phổ biến của báo chí đến với cộng đồng.
Một đầu mối cấp phép Khi áp dụng Nghị định 110/2005, DN kinh doanh đa cấp xin giấy phép ở Sở Công Thương tỉnh, thành. Trong khi đó, mỗi sở Công Thương lại có những đánh giá khác nhau khi xem xét các điều kiện cấp giấy, nhất là thẩm định chương trình bán hàng của DN. Điều này dẫn đến tồn tại trường hợp DN xin cấp phép tại các tỉnh ít kinh nghiệm về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nhằm được hưởng lợi từ chương trình bán hàng có lợi cho mình hơn, sau đó mở rộng hoạt động bán hàng đa cấp của mình vào các địa bàn khác. Hiện có khoảng 65 DN bán hàng đa cấp, do đó Bộ Công Thương thấy rằng việc chuyển cấp phép về một mối là Bộ Công Thương sẽ vẫn khả thi, không ách tắc hồ sơ. Từ ngày 1-7, theo Nghị định 42/2014, Bộ Công Thương sẽ là đầu mối cấp phép. |
No comments:
Post a Comment