Xin lỗi, tôi chỉ là trai Thanh Hóa!

Chỉ một số ít người Việt Nam có hành động xấu như trộm cắp, mất vệ sinh, tham lam... mà làm ảnh hưởng tới cả một hình ảnh đất nước Việt Nam trong con mắt người nước ngoài.

Nhưng đó là người ngoại quốc nhìn vào chúng ta. Còn chính trong nội đất nước Việt Nam thôi, tôi cũng thấy nhiều sự kỳ thị với những người ở một số tỉnh miền Trung mà điển hình là Thanh - Nghệ - Tĩnh (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh). Bản thân tôi cũng từng bị kỳ thị. Người trong một nước mà còn không thương không hiểu thì trách gì người ở xứ xa xôi. Nhưng, tôi sẽ nói cho bạn biết, chỉ những người thiểu năng mới để sự kỳ thị đó tồn tại trong cá nhân mình và trong cộng đồng. Vì sao ư?

Tôi chẳng ngại mà còn tự hào mình là Hoa Thanh Quế. Ông bà, bố mẹ tôi là nông dân đó, thì đã sao?! Họ lao động chân chính, không làm việc bất lương, không nằm ngửa ăn sẵn. Mồ hôi nước mắt của họ nuôi sống cả gia đình và nuôi tôi ăn học. Tôi mỗi năm lên một lớp, cao lớn hơn về thể chất, trưởng thành hơn về nhân sinh quan là nhờ cái gốc nông dân ấy. Tôi tự hào về nguồn gốc của mình. "Nhà quê" chẳng có gì là xấu mà đẹp, rất đẹp, trong tôi và trong rất nhiều người, tôi tin chắc như vậy.

Tôi cũng nghe những chuyện người Thanh - Nghệ - Tĩnh xấu xí như ki bo chỉ biết ăn của người, cục bộ địa phương, kết bè kéo cánh, ngang bướng chả biết phải trái, sẵn sàng dùng miệng và tay chân để giải quyết vấn đề... Nhưng sự gì cũng có lẽ của nó.

Miền Trung và Thanh Hóa nói riêng là mảnh đất nghèo khó, khắc nghiệt nhất của Việt Nam. Các bạn thành phố chắc chắn không bao giờ hiểu những gió lào, cát trắng, khi bão tang thương nước ngập mắt người, khi một giọt mưa không có... Phải vật lộn với cuộc sống như thế, đương nhiên người quê tôi phải chắt chiu (tiết kiệm thôi là chưa đủ), yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Cái tính đoàn kết ấy là tích cực chứ, bởi nếu không, cả một xứ gần như thuần nông làm sao chống chọi nổi với thiên tai địch họa. Chỉ có điều, một số cá nhân biến sự đoàn kết ấy thành bè phái, địa phương hóa, đặc biệt là khi ra ngoài xã hội, làm việc với nhiều người ở nhiều vùng miền. Ấy là sự không nên không phải.

Dân quê cũng vốn thật thà chất phác, bộc trực, có sao nói vậy nên dễ mất lòng. Nhưng sao các bạn không nghĩ tới câu "mất lòng trước, được lòng sau" để thấy ưu điểm của sự thẳng thắn. Người Thanh Hóa có bênh vực, giúp đỡ nhau khi buồn vui, hoạn nạn, tai ương thì cũng là tính nhân bản. Ai thấy bạn mình bị ức hiếp, oan trái mà lặng im mới là hèn. Chỉ có sự bạo động thái quá, dễ nổi khùng và gây gổ mới là đáng lên án thôi.

Nếu hôm nay, bạn thấy bực mình hay giận dữ, tủi hổ vì bị người ngoại quốc rêu rao dè bỉu thì những người Thanh Hóa hay Nghệ An, Hà Tĩnh bị chính đồng bào mình kỳ thị. Tôi đã từng đấm vỡ mồm một cậu đồng nghiệp (tôi đang làm việc tại Hà Nội) vì dám gọi tôi là "cái thằng Hoa Thanh Quế" với giọng miệt thị đến kinh người, mà chẳng vì một lý do nào có thể chấp nhận được cả. Tôi tốt nghiệp đại học bằng đỏ, nói tiếng Anh không xoàng, làm chuyên môn cực tốt, nên chẳng hiểu vì sao mình bị ghét. Hay tại tôi cần cù, thông minh, được việc, được lòng cấp trên nên mới bị ghen ghét? Hay nhiều lúc, tôi hỏi người vì sao lại nói một người khác như thế này thế khác thì nhận được những câu trả lời không thể tưng tửng hơn là "vì ghét cái mặt" hoặc "tại ghét cái thái độ". Đấy, có liên quan gì tới Thanh với Nghệ đâu mà người ta vẫn chửi quàng chửi xiên vào. Đó, thế là ai đúng ai sai?

Một thông báo thể hiện rõ sự thiểu năng của người đăng tin tìm bạn cùng trọ?
Một thông báo thể hiện rõ sự thiểu năng của người đăng tin tìm bạn cùng trọ?

Xã hội là một tập hợp của các cá thể mà mỗi cá thể lại mang những tính cách khác nhau và ít nhiều tính cách ấy mang tính đặc trưng của vùng miền nhưng đâu đâu chẳng có người xấu người tốt. Đừng vì Thanh Hóa là một trong những tỉnh đông dân nhất nước nên đương nhiên tỷ lệ "cá biệt" cũng sẽ nhiều hơn mà bạn quy chụp một vài cá thể lên thành chuyện vùng miền. Cá nhân với cá nhân đã đành những có những doanh nghiệp còn trưng biển không tuyển dân Thanh - Nghệ - Tĩnh thì tôi cho rằng lãnh đạo của doanh nghiệp ấy bị thiểu năng thật sự, rằng cái doanh nghiệp ấy sẽ không thể nào phát triển được. Bởi thay vì đổi mới đầu óc, trọng dụng người tài, xiết chặt kỷ luật hoặc giáo dục ý thức thì họ lại đang thể hiện rõ một sự thiếu tôn trọng trắng trợn với người lao động. "Có đi có lại mới toại lòng nhau", ngay từ đầu người cầm quân đã thể hiện một sự thiếu công bằng như vậy thì làm gì có sự công tâm và không bao giờ người lao động tận tâm với một doanh nghiệp như thế.

Xưa vẫn có câu truyền "chè Thái, gái Tuyên" và nay tôi nghe vẫn câu đó mà được thêm thành "trai Thanh, chè Thái, gái Tuyên", ý đề cao trai Thanh Hóa, mà lấy làm tự hào. Ít ra, vẫn có nhiều người ghi nhận sự nỗ lực và đóng góp của trai Thanh Hóa cho xã hội. Vì thế, nếu bạn vẫn còn để trong đầu mình tư tưởng "Hoa Thanh Quế" là xấu xí đáng xem thường, xa lánh thì bạn nên xem lại đầu óc của mình. Bởi biết đâu, khi bạn cứ cư xử và thể hiện thái độ như vậy, thì chính trong đầu chúng tôi cũng sẽ hình thành suy nghĩ "người Hà Nội xấu xí" hay "người Hải Phòng xấu xí" cũng nên.

Hãy là chính mình và nhìn nhận khách quan bạn ạ! 
Xin lỗi, tôi chỉ là trai Thanh Hóa! 4.5 5 Unknown Chỉ một số ít người Việt Nam có hành động xấu như trộm cắp, mất vệ sinh, tham lam... mà làm ảnh hưởng tới cả một hình ảnh đất nước Việt Nam ...


No comments:

Post a Comment

Copyright © Báo Eva, báo phụ nữ online, tập chí phụ nữ. Phiên bản này   đang trong quá trình thử nghiệm và các thông tin trên Blog mang tính chất tham khảo nên mọi hành vi copy nội dung chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm