Được thao túng, doanh nghiệp công khai 'giết' sông Lô?

Vấn đề quá "nhạy cảm", nhưng lợi nhuận từ việc khai thác cát quá khổng lồ nên UBND tỉnh vẫn cấp phép cho DN khai thác.

Mặc dù tình trạng khai thác cát trên sông Lô diễn ra công khai, nhưng tỉnh Tuyên Quang lại không có một động thái gì để ngăn cản. Giám đốc Sở TN&MT Tuyên Quang - người được UBND tỉnh phân công làm phát ngôn chính thức trong vụ việc này khẳng định 'không hề biết việc hàng chục tàu cuốc ngày đêm cày nát sông Lô'.

Tỉnh "bật đèn xanh" cho DN khai thác trái phép?

Ngày 27/1/2014, ông Phạm Minh Huấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang (ông Huấn vừa được bổ nhiệm làm phó Bí thư tỉnh) đã ký văn bản số 06/GP-UBND, cấp "Giấy phép khai thác khoáng sản" cho công ty cổ phần khoáng sản Tân Hà (sau đây gọi tắt là Công ty Tân Hà).

Theo như giấy phép khai thác này, phía Công ty Tân Hà được UBND tỉnh cho phép khai thác cát, sỏi bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ cát, sỏi lòng sông Lô ở khu vực bãi soi Dù Dì (xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương) với tổng diện tích là 41,61 ha (giai đoạn 1).

sông Lô; khai thác cát; vỡ đê; Tuyên Quang
Người dân tập trung đẩy đuổi không cho tàu hút cát tiến sát gần bờ (ảnh chụp sáng ngày 19/3/2014)

Cũng theo giấy phép này, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Tân Hà phải thực hiện các điều khoản trước khi tiến hành khai thác.

Cụ thể, văn bản này ghi rõ: "Hoạt động khai thác, cát sỏi theo Giấy phép này chỉ được phép tiến hành sau khi công ty Tân Hà hoàn thành đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tại Giấy phép này; nộp cho Sở TN&MT, Sở Xây dựng hồ sơ thiết kế mỏ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày hoạt động sản xuất kinh doanh, thông báo về Giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác, chế biến tại cơ quan chức năng của Nhà nước theo quy định...".

Đến thời điểm hiện tại, phía công ty Tân Hà chưa ký hợp đồng thuê đất. Điều đó, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này chưa được phép tiến hành khai thác.

Thế nhưng, trong "Giấy phép khai thác khoáng sản" do ông Phạm Minh Huấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh ký lại không hề nhắc đến việc: công ty Tân Hà phải hoàn thành hợp đồng thuê đất trước khi tiến hành khai thác.

Chính vì được UBND tỉnh "bật đèn xanh" nên phía Công ty Tân Hà mặc nhiên đưa hàng chục tàu tiến đến khu vực khai thác mà không gặp bất kỳ cản trở nào từ chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác.

Ông Hoàng Văn An - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang trong buổi làm việc với VietNamNet ngày 19/3 từng khẳng định: hiện tại Công ty Tân Hà vẫn chưa được phép khai thác vì chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật (cụ thể là chưa có hợp đồng thuê đất).

sông Lô; khai thác cát; vỡ đê; Tuyên Quang
Ông Hoàng Văn An- Giám đốc Sở TN-MT trong buổi trả lời phỏng vấn chiều ngày 20/3. Ông được UBND tỉnh cử làm "người phát ngôn" trong vụ việc này.

Cũng theo ông Hoàng Văn An, nếu có việc Công ty Tân Hà đang khai thác tại bãi soi Dù Dì thì đó chính là hành vi khai thác "trái quy định", Sở TN&MT không biết việc này!

"Nếu có chuyện Công ty Tân Hà đang khai thác, ngay ngày mai (20/3), tôi sẽ cử đoàn công tác xuống kiểm tra hiện trường. Nếu có khai thác chúng tôi sẽ cho xử lý ngay" - ông An nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông An lí giải, do Sở 'không có người, nên không thể thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động ra sao, như thế nào'! Việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu là do chính quyền địa phương là chính.

"Xà xẻo" đất nông nghiệp và nguy cơ vỡ đê

Trước đó, ngày 25/11/2013, cũng đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - ông Phạm Minh Huấn ký "Giấy chứng nhận đầu tư", đồng ý cho doanh nghiệp Tân Hà tiến hành khai thác cát, sỏi trên dòng sông Lô.

sông Lô; khai thác cát; vỡ đê; Tuyên Quang
Những bãi ngô xanh mướt này rồi đây sẽ biến mất, thay vào đó là đại công trường khai thác cát (ảnh chụp sáng ngày 19/3/2014)

Theo đó, tổng diện tích mà phía Tân Hà được UBND tỉnh cho phép khai thác lên đến 71,1ha, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, Tân Hà được phép khai thác 41,61 ha; số diện tích còn lại gồm 29,39 ha sẽ tiến hành trong giai đoạn 2 (thuộc 2 đoạn có dự án kè bờ sông).

Được biết, trong tổng số diện tích mà UBND tỉnh Tuyên Quang cấp cho Tân Hà khai thác cát, đất nông nghiệp chiếm diện tích khá lớn. Thế nhưng, "người phát ngôn" của UBND tỉnh Tuyên Quang (ở Tuyên Quang, UBND tỉnh giao cho Giám đốc Sở TN&MT - Hoàng Văn An làm người phát ngôn chính thức của tỉnh) và các phòng tham mưu không hề nắm được số liệu cụ thể là bao nhiêu.

Liên quan đến vấn đề lấy đất nông nghiệp cấp cho doanh nghiệp khai thác cát, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Sầm Dương lại khẳng định như đinh đóng cột: đất bãi soi, bãi bồi không phải là đất nông nghiệp, không nằm trong quỹ đất nông nghiệp?!

Cũng theo lãnh đạo xã này thì sau khi có giấy phép khai thác khoáng sản, phía công ty Tân Hà đã đưa máy móc vào khai thác tại khu vực soi Dù Dì.

Ông Kiên cũng cho biết, việc cấp phép khai thác cát tại khu vực này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc canh tác, trồng màu, sạt lở bờ sông. Thậm chí ông Kiên còn cho rằng: Bãi soi Dù Dì trước sau gì cũng mất vì tình trạng khai thác cát "lậu", chính quyền địa phương có muốn giữ cũng không thể giữ nổi?.

Chủ tịch xã Sầm Dương cho biết: ngày trước bãi bồi này rất rộng, số diện tích hiện tại chỉ còn khoảng 1/3; một phần do bị sạt lở xuống, một phần bị công ty Phú Tuyên (một doanh nghiệp trước đó bị tạm dừng khai thác vì vi phạm Giấy phép khai thác- PV) tiến hành khai thác trước đó.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang thừa nhận: trong tổng diện tích doanh nghiệp Tân Hà được UBND tỉnh cấp phép, đất nông nghiệp chiếm diện tích khá lớn. Tuy nhiên, phía UBND tỉnh không lấy ý kiến của Sở NN&PTNT về việc: lấy đất nông nghiệp của dân, cấp cho DN khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân như thế nào?

Điều mà rất nhiều người dân lo lắng là việc khai thác cát sỏi sẽ ảnh hưởng đến đê, gây vỡ đê. Điều này đã được Sở NN&PTNT cảnh báo rất rõ trong văn bản số 592/SNN-TL, ngày 1/4/2013.

Theo như văn bản này thì: Vị trí khu vực dự kiến xin thăm dò khai thác cát sỏi trên sông Lô thuộc địa bàn xã Sầm Dương nằm trong khu vực có tuyến đê dài 4,87km, bảo vệ cho 158 ha đất sản xuất nông nghiệp và trên 1.970 nhân khẩu. Năm 2010 tại khu vực này đã xảy ra sạt lở bờ sông và hình thành vết nứt dọc chân đê.

sông Lô; khai thác cát; vỡ đê; Tuyên Quang
Bãi sông bị sạt lở nghiêm trọng

Như vậy, việc khai thác cát, sỏi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, gây sạt lở bờ sông và nguy cơ vỡ đê. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà phía UBND tỉnh lại cấp phép cho khai thác?

Một viễn cảnh sắp sửa xảy ra nơi miền quê nghèo này: những bãi bồi ngút ngàn màu xanh của ngô rồi đây sẽ biến mất, thay vào đó là một đại công trường khai thác cát.

Và, chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi: liệu ký ức kinh hoàng gần 30 năm về trước -ngày con đê bị vỡ có xảy ra với những người dân suốt đời lam lũ nơi đây hay không? 
Được thao túng, doanh nghiệp công khai 'giết' sông Lô? 4.5 5 Unknown Vấn đề quá "nhạy cảm", nhưng lợi nhuận từ việc khai thác cát quá khổng lồ nên UBND tỉnh vẫn cấp phép cho DN khai thác. Mặc ...


No comments:

Post a Comment

Copyright © Báo Eva, báo phụ nữ online, tập chí phụ nữ. Phiên bản này   đang trong quá trình thử nghiệm và các thông tin trên Blog mang tính chất tham khảo nên mọi hành vi copy nội dung chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm