Tranh luận gay gắt xung quanh clip qua suối bằng túi nylon

Những cảnh quay cô giáo và học sinh vượt suối Nậm Pồ (Điện Biên) bằng cách chui vào túi nylon để trai bản kéo qua từng làm rúng động dư luận xã hội mấy ngày trước nhưng nay đang bị đặt trước nghi vấn về tính chân thực.

Phản ứng chung của cư dân mạng sau khi xem clip là ngỡ ngàng và đau lòng thay cho cuộc sống lăn lộn của người dân vùng cao, cụ thể là những nhà giáo phải vượt qua những khó khăn ít ai mường tượng ra để đến lớp dạy chữ. Tuy nhiên, một tác giả trên trang Ofviet lại "dũng cảm" đi ngược lại tất cả khi đưa ra những điểm nghi vấn về tính xác thực của clip (xem chi tiết bài phân tích đang làm xôn xao cộng đồng Facebook tại đây).

Rất dài nhưng lý lẽ phản biện clip của Ofviet có thể được tóm lược bằng 2 ý. Thứ nhất, bài phản biện nghi ngờ mức độ hung dữ thật sự của đoạn suối trong clip khi nếu đếm bước chân thì bề rộng của suối chỉ tầm 5 mét (6 bước chân ra đến giữa suối), độ sâu tầm 1,5 mét (nước ngập chưa đến quá cằm người đàn ông vác xe máy). Thứ hai, bài phản biện nghi vấn đoạn clip đã bị chỉnh sửa.

Tranh luận gay gắt xung quanh clip qua suối bằng túi nylon
Bài phản biện của Ofviet nghi ngờ tính chân thực của clip qua suối bằng túi nylon đang làm "dậy sóng" dư luận.

"Mình không biết về kỹ thuật, cứ xem clip thấy rùng rợn, nguy hiểm hơn cả phim hành động là phát khiếp và nói thẳng ra là cảm tính nên tin ngay và luôn. Giờ đọc bài phân tích này mới nhận ra nhiều điểm vô lý. Mong chờ clip trải nghiệm và sự thật từ Ofviet", một cư dân mạng đã thể hiện sự đồng tình với những nghi vấn đặt ra.

Trong khi đó, một người lấy nick Le Quang lại phản pháo luôn: "Anh bạn viết bài phản biện này tới 99% là chả sống quá 1 tháng trên rừng bao giờ, trải nghiệm thì lõm bõm nhưng chắc quen chém gió cà phê vỉa hè... Suối mùa lũ nước nó cũng không cao hơn suối mùa cạn đâu, nhưng khi lũ về nhanh và dữ dội thì cao hơn nhiều đấy".

Tranh luận gay gắt xung quanh clip qua suối bằng túi nylon
Bài phản biện clip qua suối bằng túi nylon bị... phản biện không kém phần dữ dội.

"Vượt suối thì họ đã chọn quãng suối hẹp nhất, nhưng chỗ làm cầu tạm mùa khô thì sẽ chọn quãng cạn nhất", một người khác nói thêm, đáp trả những phản biện từ Ofviet.

Thêm một ý kiến khác của nick Đỗ Đức Hải khẳng định những phản biện là thiếu thực tế như sau: "Ngồi đó mà viết vớ vẩn, nó sâu có 1 mét mà trượt chân thì cũng chết, cái người ta muốn nói là sự khó khăn của đồng bào, không có cầu đi qua sông, phải đánh cược số phận với một dòng nước".

Dù thế nào, những phản biện nói trên rõ ràng đã lôi kéo cộng đồng Facebook vào một cuộc tranh cãi nảy lửa.

Một người khác thuộc phái nghi vấn viết: "Thông tin này em nghĩ là để xem xét xem tại sao người dân cứ túm bao qua sông mà không làm bè mảng? Với khúc sông nhiêu đó, sức nước như thế, làm bè mảng là hoàn toàn vô nghĩa hay làm được?".

Khi tranh cãi chưa đi đến hồi kết, có thể lấy một ý kiến từ nick Dong Nguyen để nhìn đúng hơn vào những khó khăn người dân vùng cao đang cần sự trợ giúp: "Cùng là Tây Bắc nhưng nơi thì bè mảng, nơi đu dây, nơi thì bơi. Dân gian người ta nghĩ cái gì thì người ta làm, có hay, có dở, có an toàn, có nguy hiểm nhưng thực tế là nơi đó không có cầu và người ta phải vượt suối".
Tranh luận gay gắt xung quanh clip qua suối bằng túi nylon 4.5 5 Unknown Những cảnh quay cô giáo và học sinh vượt suối Nậm Pồ (Điện Biên) bằng cách chui vào túi nylon để trai bản kéo qua từng làm rúng động dư luận...


No comments:

Post a Comment

Copyright © Báo Eva, báo phụ nữ online, tập chí phụ nữ. Phiên bản này   đang trong quá trình thử nghiệm và các thông tin trên Blog mang tính chất tham khảo nên mọi hành vi copy nội dung chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm