Vở chèo Chuông ngân rừng trúc

Vở chèo Chuông ngân rừng trúc

Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 được tổ chức tại thành phố Hải Phòng đã khép lại sau 14 ngày đêm thi tài của 17 đơn vị trên toàn quốc. Theo đánh giá của PGS.TS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo thì đây là cuộc thi với nhiều niềm vui và không ít nỗi lo.

Vui nhất có lẽ là đêm đêm được chứng kiến đám đông khán giả đứng xếp hàng trước cửa rạp Tháng 8 như đi mua thực phẩm thời bao cấp. Điều này chứng tỏ nghệ thuật chèo đã sống trong lòng khán giả và sẽ không bao giờ mất đi dù cuộc sống có thay đổi theo chiều hướng nào.

Vở “Chuông ngân rừng trúc” của Đoàn chèo Hải Dương 

 Ý muốn của Ban tổ chức khi đổi tên Liên hoan thành Cuộc thi là nhằm biến dịp gặp gỡ giao lưu giữa những người làm nghề thành cơ hội thi tài mang tính cạnh tranh cao. Vì thế, nhiều bất ngờ đã xảy ra. Tâm lý thi đấu, cộng với sự ủng hộ của đông đảo khán giả đã khiến các nghệ sĩ thực sự thăng hoa trên sàn diễn. Có những vở khi diễn tổng duyệt ở Hà Nội thì rất xoàng xĩnh, chẳng ai nghĩ sẽ có giải. Thế nhưng, khi lên sàn đấu lại lật ngược thế cờ, như trường hợp của Vương nữ Mê Linh, Đường trường duyên phận. Có những vở trước khi thi được bạn nghề đánh giá cao, đoán chắc sẽ có giải lại ra về tay không như Bắc Lệ đền thiêng- tác phẩm dự thi cuối cùng bỗng dưng gặp sự cố ánh sáng.

Cuộc thi năm nay chứng kiến sự chuyển hướng khá mạnh của một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời nhất, từ hình thức chiếu chèo dân dã lên sân khấu rộng lớn với quy mô hoành tráng, âm thanh, ánh sáng được đầu tư kỹ lưỡng. Khán giả không chỉ được thưởng thức những giọng ca mượt mà, đằm thắm mà còn “mãn nhãn” khi chứng kiến những cảnh diễn chỉ có thể xuất hiện ở thời kỳ công nghệ hiện đại.

Nghệ thuật chèo đã chứng tỏ mình không chỉ phù hợp với những chủ đề dân gian, lịch sử mà còn thích ứng nhanh với các vấn đề nóng hổi của xã hội. Tuy không phải là cuộc thi chèo đề tài hiện đại, song đây lại là dịp để nghệ thuật chèo hoàn thiện hơn nhiệm vụ quan trọng của mình trước đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.

Đã qua một Liên hoan nghệ thuật chèo đề tài hiện đại mang nhiều tính thử nghiệm, được khuyến khích chọn lựa những vấn đề mới song trước cuộc thi vẫn có nhiều đơn vị tỏ ý lo ngại. Lãnh đạo một nhà hát từng tâm sự: “Chọn dựng những tác phẩm đề cập đến cuộc sống hiện đại thì khó tránh khỏi kịch cắm chèo lắm.

Vì cái chất của chèo vẫn là lịch sử, dân gian”. Song, tại đây, những nghi ngại về việc chèo có thể tham gia thể hiện những vấn đề bức thiết của xã hội hiện đại, đã bị gạt bỏ. Những vở diễn đề tài hiện đại đã thoát khỏi hình thức “kịch cắm chèo” và đi gần đến chất chèo đích thực. “Tôi ngạc nhiên khi xem những vở diễn đề tài hiện đại. Giọng hát và cách diễn của các em hoàn toàn thuyết phục. Có thể khẳng định, nghệ thuật chèo đủ sức tiếp cận những vấn đề thời sự”, NSƯT Thanh Hoài nhận xét.

Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, cán bộ Viện Sân khấu thì qua cuộc thi năm nay, mặt bằng chèo được nâng lên một bước. Nói cách khác, sân khấu chèo đang chuyển giai đoạn, chuyển thế hệ, chuyển cách nhìn nhận, và đặc biệt ló rạng được lớp đạo diễn trẻ tiếp nối thế hệ cha anh.

Bên cạnh những nhà hát có thương hiệu, đã xuất hiện những cái tên mới như Phú Thọ, Tuyên Quang, vốn trước đây chưa có tiếng tăm gì trong làng chèo. Nhưng 17 đơn vị, không phải ai cũng ngang tài ngang sức trên con đường chạy đua phát triển môn nghệ thuật mình theo đuổi. Điều kiện sống và hoạt động nghề nghiệp khác nhau đã khiến những sản phẩm nghệ thuật ở cuộc thi này chênh lệch rõ rệt. Sự khác biệt giữa con nhà giàu với con nhà nghèo, giữa những người thực sự có ý chí tiến thủ, dám đầu tư với những người chỉ biết giậm chân tại chỗ được thể hiện một cách rõ rệt.

Vì thế, bên cạnh những vở diễn đẳng cấp khiến bạn nghề tâm phục khẩu phục là những tác phẩm chứng tỏ sự hồn nhiên đến tội nghiệp của người làm ra nó. “Với những vở diễn ấy, dàn dựng và biểu diễn đã là điều khó hiểu, dám mang đi tranh tài tại một cuộc thi chuyên nghiệp như thế này thì càng... kinh ngạc”, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nói.

Khó tránh khỏi có những ý kiến trái chiều nhận xét về kết quả vàng, bạc của cuộc thi. Theo tiêu chí chấm giải, sự sáng tạo, phá cách được khuyến khích nhưng đồng thời phải giữ được đúng chất chèo truyền thống.

Điều này là vô cùng khó bởi muốn giữ đúng chất thì khó đưa vào những yếu tố lạ, ngược lại sử dụng cái mới thì dễ phá tan đi cái chuẩn bắt buộc phải có. Nhiều người chỉ chăm chăm giữ gìn cái cũ mà không biết sáng tạo cái mới thành ra nhàm chán. Lại có người mạnh tay đổi mới nhưng không nắm chắc quy tắc nên đã vô tình phá tan cái đẹp vốn có của chèo. “Vở Nắng quái chiều hôm của Nhà hát Chèo Hà Nội đã có sự sáng tạo đầy tính hiện đại khi đưa dàn đế lên sân khấu.

Bình thường, dàn đế của chèo chỉ ngồi cho đẹp, lần này được tham gia, bày tỏ thái độ, bình luận về câu chuyện, rất hay. Thế nhưng toàn bộ những gì diễn ra trên cái chiếu ấy lại là “chèo cắm kịch”. Sự sáng tạo dù độc đáo đến đâu nhưng đi xa chất chèo thì đều bị loại bỏ”, NSND Chu Văn Thức, thành viên Ban giám khảo lý giải. Đây cũng là lời nhắc nhở của bậc tiền bối cho các nghệ sĩ trẻ đang thực sự muốn gìn giữ và phát triển môn kịch hát dân tộc lâu đời này, bởi chỉ cần sai một ly là đi… một tác phẩm.

Theo: baovanhoa.vn
Vở chèo Chuông ngân rừng trúc 4.5 5 Unknown Vở chèo Chuông ngân rừng trúc Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 được tổ chức tại thành phố Hải Phòng đã khép lạ...


No comments:

Post a Comment

Copyright © Báo Eva, báo phụ nữ online, tập chí phụ nữ. Phiên bản này   đang trong quá trình thử nghiệm và các thông tin trên Blog mang tính chất tham khảo nên mọi hành vi copy nội dung chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm