Bất thường ở Hội diễn Sân khấu chèo 2009
Được tổ chức tại Quảng Ninh, vùng đất mà như nhận xét của một số nghệ sĩ là khán giả rất mê chèo, vì thế, những buổi biểu diễn của Hội diễn Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc dù diễn ra trong thời tiết rét mướt vẫn thu hút khá đông người xem.
Nhưng dù vậy, sân khấu chèo vẫn bộc lộ những cái cũ, từ tác giả, đạo diễn đến cách thức tổ chức vốn đã bị “lên tiếng” rất nhiều.
Quy định 3, vượt rào 5
Theo quy định, mỗi người được dự thi không quá ba tác phẩm nhưng trên thực tế, hội diễn luôn là dịp chạy sô của các đạo diễn tên tuổi. Mỗi lần vào mùa hội, các nghệ sĩ có thương hiệu thường nhận được cả chục lời mời dựng vở cho các đơn vị địa phương. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc sân khấu quá hiếm các tài năng, phần nữa, từ lâu bệnh thành tích đã ám ảnh các đơn vị nghệ thuật.
Cảnh trong vở Oan khuất một thời |
Nghệ sĩ Trần Thông, trưởng đoàn chèo Bắc Giang giải thích, sở dĩ đơn vị này phải mời đạo diễn Bùi Đắc Sừ vì ông đã tham gia dựng nhiều vở đi hội diễn và thường đoạt giải thưởng. Hơn nữa, “với tên tuổi ấy, uy tín ấy chúng tôi mới dễ thuyết phục lãnh đạo địa phương cấp kinh phí dựng vở. Nếu đưa ra một người chưa có tiếng tăm thì mấy ai tin?”.
Trưởng đoàn chèo Bắc Giang cũng thừa nhận, hiện làng chèo không thiếu đạo diễn trẻ, trong đó không ít người có những tìm tòi, sáng tạo đáng ghi nhận, tuy nhiên, khi đã dựng vở đi dự thi thì tâm lý ai cũng muốn mời người thành danh.
Chính đạo diễn Bùi Đắc Sừ, người đắt sô nhất hiện nay cũng cho rằng, nhiều đạo diễn trẻ có sáng kiến hay, lạ mà chính người lâu năm như mình cũng phải học. Thế nhưng, khi đi thi đấu trong cuộc chiến 5 năm mới có một lần, mà tấm huy chương hay giải thưởng lại vô cùng quan trọng trong việc phong danh hiệu NSƯT, NSND khiến các đoàn không dám mở rộng đất cho nghệ sĩ trẻ.
Cảnh trong vở Chiến trường không tiếng súng |
Có lẽ chính vì thế mà hội diễn nào, trông mặt các nghệ sĩ thường rất vui vẻ vì “lâu lắm mới có cơ hội gặp gỡ anh em, đồng nghiệp” song thực sự họ phải chịu khá nhiều áp lực bởi “khát vọng chiến thắng”. Và vì lẽ đó nên trong ngày hội vui cũng có không ít những lời bàn ra tán vào về cái sự không rõ ràng của các vở diễn hay giải thưởng. Dường như, điều đó không khó nhận ra ở Hội diễn Sân khấu chèo năm nay.
Chẳng hạn, trong danh sách các vở diễn tham dự mà Cục Nghệ thuật biểu diễn phát cho báo chí, đạo diễn Bùi Đắc Sừ có đến 5 vở là: Bà huyện trong mơ (Nhà hát chèo Việt Nam), Danh chiếm bảng vàng (Đoàn chèo Bắc Giang), Mái ấm tình quê (Đoàn chèo Phú Thọ), Tâm đức Phật Hoàng (Đoàn chèo Quảng Ninh) và Trang chủ Sơn Đông của Đoàn chèo Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, trong bảng niêm yết trước sân khấu Hội diễn cũng như tờ rơi phát cho khán giả và lời giới thiệu lúc công diễn thì vở Mái ấm tình quê được ghi là của đạo diễn Đỗ Đình Ngãi, trưởng đoàn chèo Phú Thọ và vởTrang chủ Sơn Đông là của đạo diễn Chu Tuấn Nghĩa.
Vở Mái ấm tình quê của đạo diễn Bùi Đắc Sừ hay Đỗ Đình Ngãi? |
Theo tiết lộ của một người trong nghề thì 5 vở này đều do đạo diễn Bùi Đắc Sừ dàn dựng. Tuy nhiên do quy định, mỗi đạo diễn chỉ được phép dự thi không quá ba vở nên hai vở kia buộc phải sang tên cho người khác(?). Vậy tại sao, trong danh sách các vở diễn mà Cục Nghệ thuật biểu diễn phát cho báo chí, vẫn đề tên đạo diễn 5 vở này của nghệ sĩ Bùi Đắc Sừ?
Theo giải thích của Ban tổ chức thì, quy định trước đó là vậy song Hội diễn này phá lệ bởi không thể cấm những đơn vị hay tác giả, đạo diễn có vở diễn tốt dự thi do người tài giỏi ở nghệ thuật truyền thống hiện quá hiếm hoi.
Thành viên BGK lại có tác phẩm dự thi
Tương tự, tác giả Trần Đình Ngôn cho biết, ông có ba vở riêng và hai vở đứng tên chung, tuy nhiên, theo thông tin được niêm yết thì cũng chỉ có vở Trang chủ Sơn Đông là ông đứng tên chung với Chiến Thạc. Thế nhưng, trong bản tiểu sử về tác giả Trần Đình Ngôn thì vở Trang chủ Sơn Đông là của riêng ông, không thấy ghi tên đồng tác giả với ai nữa.
Trước đó, ông Trần Đình Ngôn “khoe” rằng, ông còn làm công tác “nhặt sạn” cho ba vở nữa là vì các đoàn mời ông nhiều quá mà ông thì không được phép “tham” nên phải giới thiệu tác giả khác và cam đoan mình sẽ chịu trách nhiệm. Vậy, tác giả Trần Đình Ngôn vẫn dính dáng tới 8 vở diễn, con số kỷ lục mà chính ông đã từng lập ở hội diễn sân khấu chèo cách đây 5 năm.
Cảnh trong vở Mảnh gương nhân sự |
Hội diễn năm nay tiếp tục chứng kiến sự “ra tay” của tác giả Trần Đình Ngôn và con trai ông là tác giả Trần Đình Văn. Hai cha con nhà viết chèo họ Trần chiếm 7/19 vở tham dự Hội diễn. Thế nhưng, tiến sĩ, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn vẫn được mời vào vị trí Ban Giám khảo khiến nhiều nghệ sĩ không khỏi đặt dấu hỏi cho dù tài năng của ông thì miễn bàn. Ngoài ra, đạo diễn Lê Hùng, một thành viên Ban Giám khảo cũng có đến ba vở dự thi. Hai nghệ sĩ này đều tài giỏi song dù thế nào đi nữa, người chấm giải và người đoạt giải là một thì cũng rất khó thuyết phục được đông đảo đồng nghiệp và người xem.
Hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã được nói đi nói lại khá nhiều từ các hội diễn trước, vậy mà không hiểu sao, điều này vẫn được lặp lại? Mới đây, trong hội diễn sân khấu cải lương, khi ban giám khảo trao giải cho vở diễn Trở về miền nhớ vàDời đô của “người nhà” đã bị phản đối khá gay gắt. Sau đó, dù các nghệ sĩ đứng ra giải thích lý do trao giải là vì những sáng tạo “vượt tầm hiểu biết” của khán giả và các đồng nghiệp khác thì cũng không thể làm mọi người hài lòng.
Bởi thực tế, chả có "thí sinh" nào hài lòng với cách thức thi thố kiểu đấy. Các nghệ sĩ chỉ rỉ tai nhau, thôi thì có thể giám khảo này sẽ khách quan hơn giám khảo kia tí chút nhưng chẳng ai dám khẳng định họ sẽ từ chối trao giải cho chính mình. Đấy là chưa kể, với tốc độ dựng vở như thế, không phải lúc nào tác giả, đạo diễn cũng cho ra đời những đứa con tinh thần tuyệt vời.
Tác giả Trần Đình Ngôn giải thích, ông cũng không ngờ được “lệnh” phải ngồi vào bàn của Ban Giám khảo. “Cấp trên bảo thì tôi phải làm. Vì ngoài tôi ra, chẳng còn ai nữa, những người khác đã già hết cả rồi”.
No comments:
Post a Comment